GIÁO ÁN: KHÁM PHÁ KHOA HỌC 3-4 TUỔI

Lượt xem:

Đọc bài viết

CHỦ ĐỀ: TRƯỜNG MẦM NON

Hoạt động: Khám phá khoa học

Đề tài: Trò chuyện về ngày Tết trung thu của bé

Lớp: bé 2

* Mục đích-yêu cầu:

+ Kiến thức:

– Trẻ biết ngày tết trung thu là ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm.

– Biết một số hoạt động diễn ra trong ngày tết trung thu.

+ Kỹ năng:

– Rèn kỹ năng cho trẻ trả lời trọn câu, diễn đạt mạch lạc.

– Rèn khả năng phát triển ngôn ngữ, vốn từ cho trẻ thông qua hoạt động

+  Giáo dục:

– Biết nhường nhịn, chia sẻ phần quà trung thu cho các bạn, em nhỏ, tặng quà ông, bà.

– Cháu biết giữ gìn vệ sinh trường lớp, cất dọn đồ dùng sau khi chơi xong.

* Chuẩn bị:

– Tranh vẽ về tết trung thu.

– Mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao.

– Các bài hát về tết trung thu

– Đầu lân, mặt nạ,..

* Tiến hành hoạt động

a. Hoạt động mở đầu:

– Cô và trẻ hát bài “Chiếc đèn ông sao”

– Các con có biết sắp đến ngày gì không ?

– Cô giới thiệu ngày tết trung thu: Tết trung thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông trăng”. Phong tục trông trăng liên quan đến sự tích chú cuội trên cung trăng.

b. Hoạt động nhận thức:

Cô và trẻ cùng trò chuyện về ngày tết trung thu:

– Cô có tranh gì đây?

– Vì sao con biết?

– Trong tranh có gì?

– Có mấy chiếc đèn ông sao? chúng mình cùng đếm nào?

– Đèn ông sao có màu gì nhỉ?

– Thế các con nhìn xem trong tranh còn có gì nữa nào? (Đó là mâm ngũ quả ngày tết trung thu đấy, các con xem có những loại quả gì?)

– Các con biết không, ngày tết trung thu của các bạn nhỏ được tổ chức vào đêm rằm tháng 8 âm lịch hàng năm đấy.

– Vào những ngày này các con được chơi những đồ chơi gì nào?

– Có rất nhiều đồ chơi như: mặt nạ, mũ, đèn ông sao đấy. Khi chơi chúng mình phải chơi như thế nào các con?

– Ngoài đồ chơi ra các con còn được ăn gì trong ngày trung thu nữa?

– Đó là bánh dẻo, bánh nướng đấy.

– Thế bánh nướng giống hình gì? màu gì? Còn bánh dẻo giống hình gì? màu gì?

– Vào ngày trung thu thường được tổ chức vào buổi tối để tất cả các em thiếu niên, nhi đồng trên cả nước đón trăng đấy.

– Còn bây giờ các con có thích cùng cô ca hát và trang trí mâm cỗ để đón tết trung thu không nào?

+ Trò chơi: Trang trí mâm cỗ trung thu.

– Cô và trẻ cùng trang trí mâm cỗ trung thu.

– Cô cho trẻ cùng tham gia bày mâm cỗ.

– Văn nghệ, múa lân đón tết trung thu.

c. Hoạt động kết thúc:

Giáo dục  trẻ biết nhường nhịn, chia sẻ phần quà trung thu cho các bạn, em nhỏ, tặng quà ông, bà,  biết giữ gìn vệ sinh trường lớp, cất dọn đồ dùng sau khi chơi xong.

       – Cô cùng trẻ hát bàiRước đèn dưới trăng”.