SKKN: Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi biết yêu thương chia sẽ với người thân, bạn bè GV: NGÔ THỊ THU HIỀN

Lượt xem:

Đọc bài viết

GIÁO VIÊN: NGÔ THỊ THU HIỀN

. Tên sáng kiến1: Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi biết yêu thương chia sẽ với người thân, bạn bè.

2. Mô tả bản chất của sáng kiến2:

             “ Đủ nắng hoa sẽ nở

Đủ gió chong chóng sẽ quay

Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”.

           Đúng vậy, câu danh ngôn trên đã khẳng định: Chỉ có yêu thương mới mang lại cho con người hạnh phúc. Là người sinh ra ai cũng muốn mình có một tình yêu thương trọn vẹn, tình yêu thương chính là sợi dây nhân ái gắn bó giữa con người với con người.

Việc giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ với người thân, bạn bè từ nhiều năm nay đã được nhà trường chú trọng và coi đây là nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục trẻ, nhưng kết quả thực hiện nội dung này chưa thực sự hiệu quả, do việc dạy trẻ kĩ năng sống với hình thức còn đơn điệu, phương pháp chưa phối hợp nên kết quả còn nhiều hạn chế. Giáo viên đã tích hợp nội dung chia sẻ yêu thương trong một số hoạt động như kể chuyện, đọc thơ…cho thấy kết quả tích hợp chưa sâu. Giáo viên có xử lí một vài tình huống xảy ra xung đột của trẻ nhưng chưa triệt để, chưa giải tỏa được tâm lý giữa trẻ với trẻ. Đã xây dựng môi trường lớp học thân thiện, trẻ tích cực hoạt động nhưng vẫn còn một số trẻ chưa tự tin, thân thiện. Việc sử dụng lời nói thể hiện cử chỉ, hành động, quan tâm chia sẻ với bạn bè, người thân. Cô giáo còn nhiều hạn chế.

Năm nay tôi được phân cppng đứng lớp 3-4 tuổi, thực tế lớp tôi kỹ năng sống còn rất nhiều hạn chế nhất là sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ đâu đó đạt tỉ lệ rất thấp. nên tôi quyết định chọn đề tài: “Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi biết yêu thương chia sẻ với người thân, bạn bè”.

2.1. Các bước và cách thức thực hiện giải pháp:

        *  Biện pháp 1: Tạo môi trường lớp học thân thiện cởi mở để thu hút trẻ:

          Môi trường thân thiện và thẩm mĩ sẽ gây hứng thú cho trẻ và bản thân giáo viên góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiện, tự tin giữa giáo viên với trẻ và giữa trẻ với trẻ.

          Nhận thức được điều đó tôi đã trao đổi và cùng thống nhất với giáo viên trong lớp về kế hoạch, biện pháp trang trí xắp xếp tạo môi trường, các góc hoạt động trong lớp phù hợp với diện tích lớp cũng như các đồ dùng đồ chơi trong lớp phù hợp với tâm sinh lý trẻ, có tính thẩm mỹ và tích cực đối với trẻ. Với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tôi tận dụng tối đa các sản phẩm của trẻ để trang trí lớp, trẻ được vẽ, xé nặn các sản phẩm để trang trí các góc. Không những thế dưới mỗi sản phẩm chúng tôi đều ghi lại cảm xúc của trẻ. Có thể nói đến bây giờ các bé của lớp tôi đã có một bộ sưu tập các sản phẩm và cảm xúc của mình đây sẽ là món quà có ý nghĩa để bé dành tặng cha mẹ, những câu nói lời chúc ngộ nghĩnh đáng yêu thể hiện trong mỗi sản phẩm đã ghi dấu lại sự trưởng thành lớn khôn hàng ngày của các bé.

            Để lưu giữ những thông điệp yêu thương, để nhắc nhở các bé biết thường xuyên phấn đấu tu dưỡng trở thành những em bé ngoan, những con người nhân hậu sống có ích chúng tôi cùng trẻ làm “ Cây yêu thương” của lớp. Trên đó, tôi sử dụng những từ ngữ gần gũi, dễ hiểu hơn đối với trẻ 3- 4 tuổi: “Yêu thương”, “thân thiện”, “hòa đồng”, “Tôi yêu bạn”, “ Mình thích bạn”, “Bạn thật tuyệt vời”,… Hằng ngày, tôi chọn một thông điệp và khuyến khích trẻ thể hiện những hành động cử chỉ yêu thương đối với bạn bè và cô giáo.

              Để kích thích những việc làm tốt của trẻ có tính liên tục bên cạnh “cây yêu thương” tôi cùng trẻ tạo ra một vườn hoa với tiêu đề “những bông hoa việc tốt”, một bông hoa là một hành động tốt. Tôi khuyến khích và theo dõi những trẻ có những hành động tốt: biết hỏi thăm quan tâm đến bạn, biết đỡ bạn khi bạn bị ngã, biết lấy ghế cho bạn ngồi khi thấy bạn mệt, biết giúp đỡ cô kê bàn, ghế ăn cơm, xếp giường chuẩn bị đi ngủ,.. và cuối ngày sẽ được tuyên dương và gắn bức ảnh lên những bông hoa của mình. Cuối tuần, tôi sẽ xem kết quả trên những bông hoa để khen thưởng những bạn làm nhiều việc tốt. Từ đó, những cháu chưa thể hiện được sự quan tâm sẽ cố gắn để phấn đấu đạt kết quả như bạn.

 “Cây yêu thương”, “những bông hoa việc tốt” không chỉ giúp cho các bé của lớp tôi trở nên thân thiện, tích cực, thích làm việc tốt hơn mà còn thu hút được sự quan tâm ủng hộ của các bậc phụ huynh.         

Biện pháp 2: Giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ qua các sự kiện, hoạt động ngoại khóa.

Có thể nói các hoạt động ngoại khóa đặc biệt là việc tổ chức hiệu quả các ngày hội ngày lễ cho trẻ là một hình thức giáo dục hiệu quả và sinh động nhất, giúp trẻ được trải nghiệm các cảm xúc yêu thương.Thông qua đó, trẻ được học và chia sẻ các kĩ năng sống với cô giáo, bạn bè và cha mẹ. Với quan điểm như vậy nên ngay từ đầu năm học tôi đã nên kế hoạch xây dựng các kế hoạch hoạt động. Tôi đặc biệt chú ý đến các ngày lễ hội: Ngày 20/10, ngày Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, ngày 8/3, sinh nhật tháng của trẻ, với mỗi ngày hội chúng tôi cố gắng sử dụng một hình thức tổ chức riêng nhằm lôi cuốn hấp dẫn trẻ tích cực tham gia hoạt động.

 Sự kiện ngày 20/10- ngày phụ nữ Việt Nam

Trước ngày tổ chức “chào mừng ngày phụ nữ VN” tôi cùng trẻ trò chuyện về ý nghĩa ngày hội, đưa ra ý định, hình thức  tổ chức và thăm dò ý kiến của trẻ  về món quà tặng mẹ. Sau đó dạy trẻ vẽ tranh chân dung bà và mẹ của mình làm bưu thiếp chúc mừng, giúp trẻ ghi lại cảm xúc, lời chúc của trẻ dành cho bà và mẹ. Cùng trẻ trang trí giấy mời bà và mẹ với lời đề từ ấn tượng: ‘‘Để được quan tâm chia sẻ, để được yêu thương và hiểu các con nhiều hơn kính mời bà và mẹ bé tới dự ngày hội 20/10 do các cô và trẻ lớp bé 2 tổ chức.

 Các bé còn cùng nhau tô màu dòng chữ ‘‘Riêng mặt trời chỉ có một và thôi và mẹ em chỉ có một trên đời” để treo trước cửa lớp. 

Các bé còn được ‘‘bí mật” tập luyện những bài hát, bài thơ hay về mẹ. Không thể miêu tả hết cảm xúc của các bé lúc ấy, niềm vui niềm tự hào lấp lánh trên những khuôn mặt ngây thơ. Dường như các bé cũng hiểu mình đang làm một việc tốt, ý nghĩa dành tặng cho những người thân yêu.

Tôi cũng chọn chủ đề về mẹ với lời nói ấn tượng trên phông sân khấu: ‘‘Con yêu mẹ” và hoa những thiên thần nhỏ của lớp tôi xếp hàng hai bên cửa lớp chào đón các Ngày hôm ấy, phụ huynh đến tham dự khá đầy đủ sự kiện cùng các con, giữa ngập tràn bóng mẹ. Vào chương trình từng tốp các bé lên hát múa và đọc những bài thơ thật hay và ý nghĩa về mẹ, cả phòng học như nghẹn lại khi xem cô giáo Thu Hiền cùng các con hát múa bài ‘‘Nhật kí của mẹ” và nghe các bé trai nói lời chúc mừng mẹ.

Mẹ bé Quốc Pháp cứ cầm tay chúng tôi nghẹn ngào mãi mới nói lên lời ‘‘Chị cảm ơn các cô, hôm nay là ngày mà chị cảm thấy hạnh phúc nhất, cảm ơn các cô đã dạy các con biết yêu thương quan tâm tới mẹ, đây cũng là món quà đầu tiên mà bé Pháp làm tặng mẹ, chị vui lắm”.

Sự kiện ngày 08/03 – ngày quốc tế phụ nữ

Cũng là ngày hội lớn dành cho phụ nữ, nhưng ngày 8/3 ở lớp bé 2 lại thật đặc biệt vì đó là ngày mà các bé gái tuy mới 3- 4 tuổi nhưng cũng cảm nhận được sự tôn vinh, chia sẻ từ các bạn trai cùng lớp. Với chủ đề ‘Hoa tình bạn” trong tiếng nhạc rộn ràng từng bé trai tự tin dắt một người bạn gái ra cúi chào khán giả. Giống như một cuộc thi sắc đẹp các bé gái cũng được các cô giới thiệu tên, sở thích và cả năng khiếu riêng nữa, rồi các bé được nghe các bạn trai hát tặng những bài hát mà cả lớp yêu thích.

            Hồi hộp và thích thú nhất khi từng bạn trai lên tặng hoa, thiệp và quà bởi vì tôi đọc được trong ánh mắt các con niềm vui, tự hào vì được các bạn quan tâm chia sẻ, một số phụ huynh còn phản hồi lại rằng chưa có bao giờ mà bé nhà mình lại vui như thế kể chuyện ở lớp mãi không chịu ngủ, và ôm chặt món quà được các bạn tặng nói rằng con yêu các bạn ở lớp.

          Ngoài ra, tôi còn tổ chức cho trẻ trồng cây, chăm sóc cây xanh, cho trẻ đi tham quan trãi nghiệm đi tham quan làng bánh tráng ở thôn Đại An. Các cháu biết thêm nghề tráng bánh, biết cảm ơn khi được các cô bác mời ăn bánh tráng đập.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều các hoạt động khác tôi đã tổ chức cho các con như: Tổ chức sinh nhật hàng tháng tại lớp, rồi ngày Tết Trung thu,.. mỗi hoạt động một hình thức phong phú khác nhau nhưng đều hướng tới một mục đích chung đó là giáo dục trẻ biết quan tâm chia sẻ tới người thân và bạn bè.

Qua mỗi lần tổ chức, tôi thấy các con của lớp mình dường như lớn hơn, chững chạc hơn trong suy nghĩ và cách thể hiện tình cảm, các con có nhiều bạn thân hơn, biết nhường nhịn và quan tâm đến bạn bè. Bây giờ chỉ cần một thay đổi nhỏ của cô giáo và các bạn là bé có thể phát hiện ra.

*  Biện pháp 3: Giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ qua các hoạt động học, và mọi lúc mọi nơi.

          + Dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ thông qua hoạt động học:

          Hoạt động học là hình thức dạy học đóng vai trò chủ chốt, ở đó trẻ có thể tìm hiểu cuộc sống xung quanh, tìm hiểu thế giới vạn vật một cách có tổ chức nhất là tiếp thu các kiến thức, kỹ năng sống theo một chương trình có tính hệ thống.Thông qua hoạt động học dạy trẻ còn biết quan tâm mọi người xung quanh, biết yêu thương những người thân trong gia đình, quan tâm đến bạn bè, đến những người lao động, dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ với những người bất hạnh những bạn nhỏ mồ côi, biết yêu thương quan tâm chăm sóc cây cối và các con vật nuôi. Chính vì vậy tôi đã nghiên cứu, thiết kế một số hoạt động nhằm dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ.

Giáo án 1 :

Hoạt động: khám phá khoa học

Đề tài: Nói lời yêu thương

Với hoạt động này, tôi trò chuyện với trẻ về những người thân trong gia đình. Những công việc mà người thân thường làm cho trẻ như: bà hay kể chuyện cho cháu nghe. Ông dạy cháu chăm sóc vườn cây kiểng. Mẹ chăm bé ăn, uống, tắm rửa,. . ba thường mua quà cho các bé. Các anh chị hay chơi với bé, dạy bé đọc thơ,.. Từ đó, tôi giáo dục cháu phải biết yêu thương những người thân trong gia đình. Để thể hiện được tình cảm của mình dành cho người thân, tôi khuyến khích trẻ nên dùng những cử chỉ: âu yếm, ôm hôn, sà vào lòng người thân và nói những lời hay “ cháu yêu bà/ông” , “cháu thích được nghe bà kể chuyện” , “ Mẹ là người con yêu thương nhất” , … hay hát múa những bài hát về tình cảm gia đình “cháu yêu bà”, “chỉ có một trên đời” , “mẹ yêu”, “bố là tất cả”… Luôn động viên, nhắc nhở trẻ biết giúp đỡ người thân bằng những công việc nhỏ: Lấy tăm cho ông, bà. Giúp mẹ đuổi gà, phụ mẹ chuẩn bị bàn trước khi ăn cơm. Biết mời người lớn dùng bữa…

Giáo án 2 :

Hoạt động: tạo hình

Đề tài: nặn vòng tặng bạn.

Hoạt động nặn vòng tay tặng bạn là một hoạt động trẻ rất thích thú. Trẻ được trãi nghiệm với đất nặn và tạo ra được sản phẩm của bản thân. Sau khi có được sản phẩm của bản thân. Tôi khuyến khích trẻ dùng những sản phẩm mình tạo ra và tặng cho người bạn nào con thích nhất. đồng thời con hãy nói một câu nói thể hiện được tình cảm của con dành cho bạn: “Mình thích bạn:, “bạn thật tuyệt vời”, “bạn là một cô bé dễ thương”, “bạn thật xinh đẹp”,….

Mục đích của hoạt động là giúp trẻ mạnh dạn thể hiện tình cảm của bản bân dành cho bạn bè. Đồng thời tạo được sự đoàn kết, gắn kết giữa những thành viên trong lớp học

+ Dạy trẻ biết yêu thương thông qua hoạt động vui chơi:

Thông qua các trò chơi, trẻ sẽ cảm nhận được những công việc, những tình cảm của người thân và bạn bè dành cho mình. Từ đó sẽ giúp trẻ tránh được những xung đột không đáng có giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô giáo, giữa trẻ với người thân trong gia đình. Làm nảy sinh lòng vị tha, sự quan tâm đến người khác.

          – Hoạt động góc: với trò chơi đóng vai, trẻ thể hiện được những công việc của ông bà, ba mẹ, cô giáo,… Tôi tham gia vào vai người hàng xóm đến thăm nhà, hỏi thăm công việc và tình cảm của những người thân trong gia đình và hướng trẻ cách thể hiện tình cảm của người thân. Khi chơi với em bé phải biết âu yếm, vỗ về, dỗ dành khi em khóc. Đối với ông bà thì phải thể hiện sự quan tâm, kính trọng: mời ông dùng cơm, Hôm này bà có khỏe không? Khi làm mẹ phải biết quan tâm đến sở thích của các thành viên trong gia đình: bé thích ăn cháo, bà thích ăn cá, ông thích ăn trứng,.. để nấu những món ăn phù hợp với khẩu vị của gia đình.

          – Hoạt động vui chơi tập thể: vào các giờ hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều. Tôi thường tổ chức cho trẻ những trò chơi tập thể tạo sự gắn kết và hiểu ý nhau hơn: Tìm bạn thân”, tạo nhóm gia đình”,… sau đó từ các nhóm của mình trẻ thể hiện những bài hát, hay hành động thể hiện tình cảm với nhau: ôm bạn, bắt tay, bắn tim,… Đồng thời giáo dục trẻ không chen lấn, không tranh dành đồ chơi với bạn.

          – Giờ ăn: tôi khuyến khích trẻ giúp cô sắp xếp bàn ghế, bê thức ăn đến cho những bạn chậm, vụng về, phụ cô đút cho những bạn ăn chậm.

          – Giờ hoạt động nêu gương: Vì trẻ lớp tôi kỹ năng thể hiện sự yêu thương chia sẻ còn hạn chế. Nên ở những tiêu chuẩn bé ngoan hàng ngày, tôi thường đưa một tiêu chuẩn về sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ.

Vd: Thứ hai đầu tuần tôi đưa các tiêu chuẩn sau:

+ Trẻ đi học đúng giờ, quần áo gọn gàng.

+ Giờ học chú ý cô, tham gia phát biểu bài.

+ Biết giúp đỡ, không tranh dành đồ chơivới bạn.

Thứ 3 tôi tiếp tục đua thêm tiêu chí thể hiện sự yêu thương, chia sẻ.

+ Cháu biết chào hỏi cô khi đến lớp.

+ Ăn hết suất, ngủ đủ giấc.

+ Biết phụ giúp cô trong một số công việc.

  Tiếp tục những ngày trong tuần tôi đưa các tiêu chuẩn khác nhằm rèn cho trẻ kỹ năng biết quan tâm đến người khác.

 Cuối ngày tôi thường nêu gương những trẻ đã có những hành vi tốt, nhũng cử chỉ đẹp và kể cho trẻ nghe những câu chuyện việc tốt mà các bạn đã làm trong ngày nhằm tuyên dương cổ vũ trẻ. Giúp trẻ thêm tự tin, vui vẻ và ham thích làm nhũng công việc tốt để được cô khen ngợi. Tôi luôn tôn trọng trẻ và hết sức công bằng, sử dụng khen, chê đúng mực. Khen và chê có tác dụng mạnh đến hành vi vâng lời của trẻ, không nên khen trẻ quá nhưng cũng đặc biệt là không nên chê trách trẻ quá mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chỉ bảo để không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

           *  Biện pháp 4:  Phối hợp với phụ huynh trong việc dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ với người thân bạn bè.   

           Trẻ ở độ tuổi này khá nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.  Đây cũng là độ tuổi mà trẻ bắt đầu tự lập hơn và khả năng thấu cảm cũng bắt đầu phát triển. Các con đã đủ lớn để nhận biết cảm xúc của người khác. Chính vì thế, cha mẹ cần phải giúp con hiểu được điều con cần làm. Thế giới của một đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo khá nhỏ bé.

          + Thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm:

           Ngoài  những đánh giá và phổ biến những công tác trong năm học. Tôi kết hợp tuyên truyền với cha mẹ trẻ về một số biện pháp giúp trẻ  thể hiện được sự yêu thương, chia sẻ với người thân.

         – Tập cho bé phụ giúp những vừa sức trẻ trong nhà:
         Phụ huynh nên tập cho bé biết quan tâm giúp đỡ người thân những việc nhỏ trong gia đình như: Chơi với em, xếp quần áo, lấy nước, lấy tăm cho ông bà khi ăn cơm xong…,
         – Hướng cho con biết hiểu và nghĩ đến người khác:
         Cha mẹ nên giáo dục con bằng những câu chuyện, những cuốn sách, những bộ phim mang tính giáo dục cao, kể cho con nghe về những con người đã và đang phải chịu đau khổ: Tích chu, ba cô gái, cậu bé tí hon, .. từ đó hình thành cho trẻ tình yêu thương, sự quan tâm, lòng cảm thương với con người

          – Động viên, khen ngợi kịp thời khi trẻ làm điều tốt:
          Bố mẹ hãy khen ngợi con kịp thời khi con có một hành động tốt, hãy bảo với con rằng bé đã làm đúng. Những lời khen của bố mẹ càng cụ thể càng tốt, và chỉ nên hướng vào nổ lực của bé không nên khen vào kết quả bé đã làm được.

          Ví dụ: “Giờ cơm hôm nay mẹ thấy con biết phụ mẹ lấy chén, đũa, mang thức ăn lên cho cả nhà cùng ăn. Mẹ rất vui và hài lòng vì con đã biết phụ giúp mẹ”.

         + Thông qua bảng tuyên truyền:

         Để tuyên truyền đạt kết quả cao, tôi chú trọng trang trí bảng tuyên truyền sinh động, thu hút được sự chú ý của phụ huynh. Đồng thời tôi luôn thay đổi bài tuyên truyền theo tháng. Chú trọng đến những bài giáo dục về lễ giáo, kỹ  năng thể hiện tình yêu thương, chia sẽ với mọi người.

         + Thông qua Zalo nhóm lớp.

         Tôi thường xuyên chia sẻ với phụ huynh những kiến thức về tâm lí trẻ. Những đoạn video, những chuyên gia tâm lý trẻ em để phụ huynh nắm bắt và hiểu rõ hơn về tâm sinh lý của con em mình. Từ đó có thể phân tích cho trẻ hiểu được những hành động đúng sai, cái nào nên làm và không nên làm để trẻ hiểu và nhận thức được những hành vi của bản thân.

         Không chỉ nhóm lớp, tôi còn tâm sự riêng với phụ huynh có con em còn hạn chế về những hành vi chưa đúng mực nhằm kết hợp với phụ huynh có những biện pháp uốn nắn trẻ tốt hơn.

         + Thông qua giờ đón trả trẻ:

         Tôi trao đổi với phụ huynh về những biểu hiện của trẻ. Những trẻ có những biểu hiện tốt có tiến bộ thì tôi khuyến thích phụ huynh cần giúp trẻ phát huy hơn. Những trẻ còn hạn chế, chưa có kỹ năng thể hiện sự yêu thương chia sẻ thì tôi cùng phụ huynh tìm biện pháp khác nhằm giúp trẻ tiến bộ hơn.

         Từ những chia sẻ và trao đổi giữa cô và phụ huynh tôi thấy phụ huynh của lớp đã hiểu được tầm quan trọng của việc dạy trẻ biết yêu thương và chia sẻ từ đó phối kết hợp với cô giáo trong việc giáo dục trẻ tại nhà chất lượng giáo dục được nâng cao.

          Sau một thời gian dạy trẻ biết ‘‘yêu thương chia sẻ” tôi thấy các con của lớp tôi có những thay đổi rõ rệt, giờ đây các bé đều rất vui vẻ tự tin khi đến lớp, thân thiết nhau hơn, không còn hiện tượng tranh giành đồ chơi hay đánh bạn nữa, không những thế các bé còn có những lời nói, hành động quan tâm yêu thương, chia sẻ với cô giáo và bạn bè và người thân.

2.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết:

Việc dạy trẻ biết quan tâm, chia sẻ mà tôi đã áp dụng tại lớp minhfvoiws những biện pháp thiết thực, mang lại hiệu quảvới những thuận lợi, khó khăn như sau:

*Thuận lợi.

          Năm học 2023 – 2024 tôi được phân công chủ nhiệm lớp 3- 4 tuổi. Trẻ đến lớp đúng độ tuổi, ngoan và đi học chuyên cần.

         – Ban giám hiệu sát sao về chuyên môn, quan tâm về tinh thần, động viên, khích lệ giáo viên trong công tác.

        – Bản thân tôi là một giáo viên ham học hỏi, luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo trong mọi hoạt động.

       – Luôn tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do nhà trường và do các cấp tổ chức.

        – Luôn yêu nghề, mếm trẻ coi trẻ như con em của mình.

          * Khó khăn.

             Các bé lớp tôi phần lớn được sinh ra trong những gia đình có điều kiện, lại là bé đầu lòng nên rất được ông bà bố mẹ nâng niu chiều chuộng, mọi ý thích của bé đều được đáp ứng nên sự chia sẻ và thể hiện tình cảm yêu thương của trẻ với mọi người mọi vật xung quanh còn hạn chế.  

Đa số phụ huynh đều làm công nhân, buôn bán nên ít có thời gian dành cho con, phần lớn đều nhờ cậy ông bà và người giúp việc, vì vậy việc thống nhất quan điểm, biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ giữa giáo viên và phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa sự yêu thương và bao bọc. Đôi khi yêu con quá mà ‘‘che chắn” con quá kĩ.

  – Phụ huynh lo lắng khi con đến lớp hay tranh dành đồ chơi, hay đánh nhau, không hay thể hiện lời nói cử chỉ yêu thương tới người thân, bạn bè.

  – Việc chú trọng quan tâm đến việc học tiếp thu kiến thức, kỹ năng sống của con ở trên lớp của một số phụ huynh chưa thực sự đúng mực.

          Từ những thực tế đã nêu trên, bản thân là một giáo viên đứng lớp, tôi đã không ngừng  học hỏi, nghiên cứu để 100% trẻ lớp tôi biết yêu thương và chia sẻ với bạn bè người thân.

2.3. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại:

– Tạo môi trường lớp học thân thiện cởi mở để thu hút trẻ.

– Giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ qua các sự kiện, hoạt động ngoại khóa.

– Giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ qua các hoạt động học, mọi lúc mọi nơi.

          –  Phối hợp với phụ huynh trong việc dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ với người thân bạn bè.   

2.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

Các biện pháp đã nêu trên được áp dụng tại lớp bé 2 trường mẫu giáo Đại Lãnh đạt hiệu quả cao. Sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi trong trường mầm non trên địa bàn huyện Đại Lộc.

2.5. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng  kiến theo ý kiến của tác giả và theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp  dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (nếu có):

          Sau một thời gian dạy trẻ biết ‘‘yêu thương chia sẻ” tôi thấy các con của lớp tôi có những thay đổi rõ rệt, giờ đây các bé đều rất vui vẻ tự tin khi đến lớp, thân thiết nhau hơn, không còn hiện tượng tranh giành đồ chơi hay đánh bạn nữa, không những thế các bé còn có những lời nói, hành động quan tâm yêu thương, chia sẻ với cô giáo và bạn bè và người thân.

Đối với trẻ.

Bảng thống kê kết quả khảo sát trẻ sau khi thực hiện biện pháp:

  Nội dung  SLTrước khi áp dụngSau khi áp dụngTăng
Có kỹ năngChưa có kỹ năngCó kỹ năngChưa có kỹ năngCó kĩ năng so với đầu năm
Trẻ tự tin trước mọi người, thân thiện với bạn bè.  25  12  48%  13  52%2392%28%  48%
Trẻ có những lời nói thể hiện quan tâm chia sẻ với bạn bè, cô giáo và người thân.    25    14    56%    11    44%2496%14%    40%
Trẻ có cử chỉ, hành động quan tâm yêu thương tới bạn bè, cô giáo và người thân.251248%1352%2496%14%    48%

Đối với phụ huynh:

– Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống đặc biệt dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ.

– Phối hợp cùng cô giáo trọng việc dạy trẻ biết yêu thương và chia sẻ.

– Nhiệt tình hơn, tham gia đầy đủ vào các hoạt động của lớp và trường tổ chức.

– Thêm tin tưởng vào cô giáo, yên tâm gửi con đến trường.

3. Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): không

4. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

           – Cần có sự thống nhất về kế hoạch, nội dung, hình thức tổ chức thực hiện của tập thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
          – Tuyên truyền và vận động phụ huynh phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục trẻ biết yêu thương, chia sẽ với mọi người.
          – Cô giáo phải có tấm lòng yêu trẻ, nhiệt tình, chịu thương chịu khó, tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu các phương pháp giáo dục kỹ năng cho trẻ.
          – Sự hứng thú tham gia của học sinh.